XtGem Forum catalog
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi


Bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi

Tác giả: Bạch Lạc Mai

Giới thiệu

Bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi là cuốn tản văn vô cùng sâu lắng của Bạch Lạc Mai. Cuốn tản văn lấy đề tài là chuyện đời khuynh thành của nữ văn sĩ kỳ tài Trương Ái Linh nhưng qua đó, là bức tranh muôn màu của cuộc sống, của xưa và nay, của cũ và mới. Từng câu từng chữ của Bạch Lạc Mai vừa nhẹ nhàng vừa trầm lắng, vừa hoa lệ vừa lạnh lùng đem đến cho người đọc một thứ cảm giác hết sức đặc biệt. Văn chương như suối, chảy trôi tới đâu là tưới mát lòng người tới đó.

Nước lạnh sông lặng, trăng sáng sao thưa.

Trước khi hạ màn, tôi bỗng khóc. Có lẽ chúng ta đều nên giữ một trái tim lương thiện, coi đời này là kiếp cuối cùng, chờ đợi trên con đường duyên phận sẽ đi qua, tôn trọng từng đoạn tình cảm mà khó khăn mới có được. Phải biết rằng, giữa ngàn vạn người, gặp được người mà bạn muốn, phải tu duyên phận biết bao năm!Năm tháng bất tận, ly hợp phút chốc.

Bởi vì thấu hiểu, cho nên từ bi.

Tác giả

Bạch Lạc Mai

Bạch Lạc Mai tên thật là Tư Trí Tuệ, sống ở Giang Nam, đơn giản tự chủ, tâm như lan thảo, văn chương thanh đạm.

Những tác phẩm đã xuất bản:

- Hết thảy gặp gỡ trên thế gian đều là cửu biệt trùng phùng,

- Hận không gặp nhau khi chưa xuống tóc,

- Gió Tây thổi biết bao nhiêu hận, thổi chẳng tan nét mày cong,

- Gặp gỡ nơi hồng trần sâu nhất,

- Nếu em bình an, đó là ngày nắng,

- Bởi vì thấu hiểu, cho nên từ bi

Lời nói đầu: Đời này chỉ làm kiếp cuối

Lá rụng non vắng, cành lạnh tìm quanh[1]. Vào buổi chiều còn vương ánh thu tàn, hái chút ánh dương, đọc vài cuốn thi thư, ngày tháng phởn phơ lãng quên thế tục. Đi qua bao năm tháng tựa núi rộng sông dài, ngỡ rằng thế sự sớm đã đổi khác, biết bao tình cảnh vô duyên vô cớ đã được sinh ra, hóa ra, có một loại năm tháng gọi là từ bi. Bởi vì hiểu rằng, trên sân khấu nhân gian mênh mang này, từ lúc bắt đầu, đến khi hạ màn, một con người phải trải qua biết bao khó khăn, nên năm tháng mới khoan dung, nhân hậu; để những người phải nếm trải hết khói lửa như chúng ta, vẫn giữ được một trái tim trong trắng tựa hoa lê như thuở nào.

[1] Lá rụng non vắng: Ý thơ của Vi Ứng Vật. Cành lạnh tìm quanh: Ý thơ của Tô Thức. Đều là hai câu tả cảnh mùa thu lạnh lẽo, buồn thảm.

Sênh ca tuy đã dứt, âm vang vọng sân nhà. Ánh đèn kia thắp sáng, tiễn khách xuống lầu xa[2]. Thời kì Dân Quốc là một vở kịch rời rạc, câu chuyện khuynh thành vui vẻ sớm đã bị chôn vùi dưới bao lớp phong trần, không biết đi đâu về đâu. Người con gái bị tháng năm vứt bỏ ấy, lại khoan thai bước ra từ ngõ nhỏ năm xưa. Cô vận một chiếc sườn xám bằng gấm trắng, đi qua mưa khói Dân Quốc, vượt vòng tuần hoàn của bốn mùa, còn thứ vương vãi khắp trên mặt đất đó, chính là ký ức thanh mát như bạc hà.

[2] Nguyên văn “Sênh ca quy viện lạc, đăng hỏa hạ lâu dài”, là hai câu trích trong bài Yến tán của Bạch Cư Dị.

Tôi thích Trương Ái Linh, không cần duyên cớ, chẳng hỏi nhân quả. Thích sự tự sùng bái mình lúc thiếu thời, thích sự si tình không hối hận sau khi gặp được tình yêu và cũng thích cách sống cô quạnh xa rời chốn đông người những năm cuối đời của cô. Người con gái ấy, trên bến Thượng Hải đầy sóng gió, nhảy múa mãi với vầng hào quang của trăng sáng mà chẳng tốn chút sức lực nào. Người con gái ấy, chìm nổi mấy độ, nhìn lại những sóng gió đã qua, cuối cùng đã chọn quay người một cách diễm lệ, đi xa tận chân trời. Diễm lệ như cô, cao ngạo như cô, chưa từng dễ dàng yêu một người, cũng không dễ dàng phụ một người.

Đàn ông thời Dân Quốc nhiều như những đốm lửa, nhưng chỉ có một đốm lửa vô tình chiếu sán cho Trương Ái Linh. Gặp gỡ của đời người là một chuyện vô cùng tốt đẹp, còn chúng ta thì luôn vì cái đẹp mà diễn vai si tình và vô tình. Hồ Lan Thành có thể quên rất nhiều lời ước hẹn chỉ trong thời gian uống một chén trà ngắn ngủi, còn Trương Ái Linh lại vì một mối tình mà chịu trách nhiệm đến cùng. Cô vì anh mà chịu thấp kém đến tận cùng cát bụi, từ trong cát bụi nở ra một đóa hoa, đóa hoa này, nở nhầm thời gian. Khoảnh khắc anh quay đi, cô cam tâm tình nguyện một mình tàn úa.

Về sau Trương Ái Linh gặp một mối duyên phận, đó là đạo diễn Tạng Hồ, người đã mang đến cho cô một cuộc tương phùng tựa gió nhẹ mây bay. Chỉ là cô không chịu được tháng ngày lẻ loi, mà cúi đầu rũ áo. Sau đó, cô lại có một mối tình dị quốc với một người già tên là Ferdinand Reyer, họ đã nắm tay nhau vượt qua khốn khó suốt mười một năm ròng. Nhưng hồng trần lênh đênh, cuối cùng vẫn không cho Trương Ái Linh nổi một kiếp yên ổn mà cô mong muốn. Có lẽ, tình yêu là thứ nhất định phải làm người ta tổn thương đến độ không thể tổn thương hơn được nữa, thì mới có thể thấu hiểu.

Hồ Lan Thành nói, Trương Ái Linh là “hoa soi bóng nước” thời Dân Quốc. Cô không cần kinh qua bao thế sự, tất cả mọi chuyện của thời đại này sẽ tự tìm đến làm bạn với cô. Cô không đẹp, nhưng bất cứ dáng vẻ nào của cô cũng đủ khuynh thành. Chính người con gái truyền kỳ này, đã kết tình duyên một đời với ánh trăng, sinh ra trong ngày trăng tròn, chết đi cũng vào ngày trăng tròn. Vầng trăng của Dân Quốc đã chìm khuất từ lâu, nhưng câu chuyện của cô sẽ mãi mãi không kết thúc.

Ở chốn nhân gian kỳ quái này, mấy ai có thể để ngày tháng vụt qua như nước chảy mây trôi. Nhưng tôi trước sau vẫn luôn tin rằng, đi qua mưa khói Bành Hồ[3], qua năm tháng, núi sông, những người đã nếm trải hết mùi vị của cuộc sống, sẽ càng sống động và trong sạch hơn. Thời gian mãi mãi là kẻ đứng ngoài cuộc, chúng ta cần tự mình gánh vác tất cả quá trình và kết quả.

[3] Một địa danh văn hóa lịch sử lâu đời thuộc huyện Gia Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc.

Thế gian từng có Trương Ái Linh, thế gian chỉ có một Trương Ái Linh, chỉ là người ấy sớm đã rời xa. Cho dù chúng ta có đi tới tận cùng biển người, cũng không thể gặp lại được cô nữa. Bởi cô cũng chỉ có một đời một kiếp, cô không thể đầu thai, cũng không sống dựa vào một người hoặc một vật nào đó. Nhưng chúng ta vẫn sẽ nhớ mãi người con gái khiến người khác yêu mến và trân trọng đó, nhớ mãi linh hồn trẻ mãi này. Cho nên, bạn tìm cô ấy hay không, cô ấy cũng vẫn đang ở đây.

Nước lạnh sông lặng, trăng sáng sao thưa. Trước khi hạ màn, tôi bỗng khóc. Có lẽ chúng ta nên giữ một trái tim lương thiện, coi đời này là kiếp cuối cùng, chờ đợi trên con đường duyên phận sẽ đi qua, tôn trọng từng đoạn tình cảm mà khó khăn mới có được. Phải biết rằng, giữa ngàn vạn người, gặp được người mà bạn muốn, phải tu duyên phận biết bao năm!

Năm tháng bất tận, ly hợp phút chốc. Bởi vì thấu hiểu, cho nên từ bi.

Bạch Lạc Mai

Ngày 18 tháng 11 năm 2011

Quyển thứ nhất: “Hoa soi bóng nước” thời dân quốc

Hoa soi bóng nước

“Không quá sớm, cũng chẳng quá muộn, vừa khéo đuổi kịp, vậy mà cũng chẳng có câu nào khác, chỉ khẽ hỏi: “Ô, em cũng ở đây sao?”.

(Trương Ái Linh ngữ tục)

Sắc trăng nghiêng thành. Đây là bến Thượng Hải, một đô thị mà đâu đâu cũng là truyền kỳ. Bao người giữa sân khấu nhân gian đầy mê hoặc này, cứ khăng khăng cố chấp diễn cảnh buồn vui. Từ phồn hoa nhộn nhịp đến cô đơn u tối, cái mất đi chẳng qua cũng chỉ là thời gian. Bốn mùa xoay chuyển, chìm nổi sóng gió, người muốn được nhớ mãi thì lại bị lãng quên, kẻ muốn bị lãng quên lại luôn được nhớ tới. Đêm nay, không biết giấc mộng cũ ngủ say bao năm trên biển, đã bị người khách qua đường có dáng vẻ vội vã nào đánh thức? Sau này mới biết, người từng thề non hẹn biển, đến một ngày sẽ đường ai nấy đi, người từng nói mãi mãi không gặp lại, đến một ngày không hẹn mà gặp. Dòng chảy duyên phận mà chúng ta chưa bao giờ có thể nắm chắc được ấy cứ ung dung dập dềnh. Trương Ái Linh từng nói: “Trong ngàn vạn người, gặp được người mà bạn muốn; trong ngàn vạn năm, giữa đồng hoang bất tận của thời gian, không quá sớm, cũng chẳng quá muộn, vừa khéo đuổi kịp, vậy mà cũng chẳng có câu nào khác, chỉ khẽ hỏi: “Ô, em cũng ở đây sao?”[1]

[1] Trích truyện ngắn Tình yêu của Trương Ái Linh.

“Em cũng ở đây sao?”. Ai từng có may mắn được hỏi bằng một câu nói dịu dàng, níu giữ bước chân sắp sửa đi xa này lại? Trong hạnh phúc mơ hồ, đã toan dợm bước. Vốn tưởng, tài nữ đi xuyên qua mưa khói Dân Quốc khiến cả thế giới phải kinh ngạc này, không cần phụ thuộc bất cứ người nào trên con đường tình cảm. Nhưng giữa dòng người náo nhiệt, cô vẫn vì một bóng dáng xa lạ mà quay đầu nhìn lại. Rốt cuộc, cô vẫn là người trần tục, vẫn luôn khát khao một người có thể dùng tình cảm ấm nồng lấp đầy trái tim hoang lạnh của cô, từ đó sướng khổ bên nhau trọn đời.

Có lẽ rất nhiều người không thực sự hiểu rõ câu chuyện đầy mê hoặc của Trương Ái Linh, nhưng tên của cô thì ai ai cũng biết. Nhớ đến cô là nhớ đến tấm ảnh đen trắng đã trải qua bao năm tháng đó. Cô mặc một chiếc sườn xám đã ngả màu nhưng diễm lệ, đầu ngẩng cao đầy quý phái, cô độc cao ngạo mà lạnh lùng nhìn phàm trần qua lại. Khinh bạc biết bao, vô can với vui buồn biết bao. Cô đẹp, mang theo ánh lấp lánh tột độ, cũng mang theo sự cô độc kiên định. Để cô làm một cô gái bình thường là điều không thể.

Khi chưa từng gặp gỡ tình yêu, Trương Ái Linh đã biết ái tình là một ván cờ. Nhưng thông minh như cô cũng không thể hiểu rõ được nội tình ván cờ đó, mà chỉ có thể làm người đứng xem. Khi ngàn cánh buồm lướt qua[2], cập bến đỗ đã lâu không gặp, cô lại không biết tháng năm đã âm thầm đổi thay, vật còn đó mà người thì đã khác. Biết rõ rằng thiêu thân lao mình vào lửa, nhưng cô vẫn ung dung, không ngại ngần lao vào cho đến lúc rực rỡ như tro bay khói tàn, hóa thành chút tuyết vương trên mặt đất mới chịu thôi.

[2] Nguyên văn “Quá tận thiên phàm”, xuất xứ từ hai câu thơ trong bài Mộng Giang Nam của Ôn Đình Quân: “Quá tận thiên phàm giai bất thị/ Tà huy mạch mạch thủy du du” (Ngàn cánh buồn qua đều chẳng phải/ Nắng chiều chếch chếch nước tuôn mau), được hiểu với nghĩa “Thấy bao nhiêu dâu bể ngày tháng trôi qua”.

Hồ Lan Thành nói, Trương Ái Linh là “hoa soi bóng nước[3]” thời Dân Quốc. Không sai, Trương Ái Linh là một cô gái khôn ngoan, câu chữ cô dùng dường như thông hiểu thế sự, nhưng thực ra thì trải nghiệm của cô lại rất ít ỏi. Cô không cần phải thâm nhập vào trốn hồng trần, thời đại này sẽ tự đến giao thiệp với cô. Cô không muốn trở thành huyền thoại, nhưng bản thân cô đã là một huyền thoại. Tài của Trương Ái Linh là bẩm sinh, cho nên vào thời điểm thích hợp, cô sẽ tự bừng nở, tự tàn úa.

[3] Lâm thùy chiều hoa: Tạm dịch là “hoa soi bóng nước”, “Hoa rọi mặt hồ”. Cụm từ này có thể được lấy từ đoạn tả Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng: “Nhàn tự kiều hoa chiều thủy”. nghĩa là “Vẻ nhàn nhã, thư thái như hoa rọi mặt hồ”.

Thế gian này đâu có loài thực vật nào có thể sánh với cô, nhưng cô lại nói: “Gặp được anh, cô trở nên rất thấp kém đến mức lẫn vào cát bụi. Nhưng trong tim cô lại rất vui, từ trong cát bụi nở ra một đóa hoa”. Lời nói thắm tình như thế, đừng nói là Hồ Lan Thành phong lưu lỗi lạc, mà dù là bất cứ người đàn ông bình thường nào, cũng đều cúi đầu quy phục trước cô. Nhưng Trương Ái Linh khi đó, chỉ trở thành đóa hoa xinh đẹp vì một mình Hồ Lan Thành. Không phải cô yêu đến mù quáng, mà bởi cô cần một mối tình không tầm thường để điểm tô cho năm tháng thanh xuân. Khi rơi vào, cũng là lúc thức tỉnh.

Vậy nên, Hồ Lan Thành đã trở thành kẻ thưởng hoa đầy may mắn. Hồ Lan Thành cũng yêu Trương Ái Linh thực sự, bởi cô là niềm vui bất ngờ một thuở, là ân sủng định mệnh trong cuộc đời anh. Cả cuộc đời Hồ Lan Thành đã gặp gỡ biết bao cô gái, với phong thái phù hoa nhất, quỳ bái dưới gấu váy của họ, cuối cùng anh đều được như ý nguyện. Nhưng Trương Ái Linh là truyền kỳ duy nhất, cũng là một món nợ tình mà có dùng cả đời anh cũng không trả nổi.

Thuở ban đầu, Hồ Lan Thành “nguyện khiến năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình an”, thề rằng “cùng tu cùng ở, cùng duyên cùng tướng, cùng gặp cùng biết”. Nhưng người đứng trước mắt phong vận như xưa, còn anh thì mây gió đổi thay. Không phải là lãng quên, mà là trên con đường hồng trần non nước xa xôi, anh cần đồng hành với quá nhiều phong cảnh. Đến nay, thử nghĩ lại, nếu như Hồ Lan Thành thực sự giữ lời thề, nguyện cùng Trương Ái Linh yên ổn sống qua ngày, thì liệu cô có thật sự như dây mây quấn quýt, mãi không chia lìa hay không?

Thật khó tưởng tượng, một người con gái lạnh lùng đầy cao ngạo xa cách từ trong xương tủy như thế, làm thế nào mà có thể trở thành một nhành hoa một cọng cỏ, một mảnh đất một hại bụi[4], giữ gìn trong tình sâu nghĩa dài như thế? Hồ Lan Thành cũng từng nói, Trương Ái Linh là một người vô tình. Khi Hồ Lan Thành khẳng định đó là tình cảm nên có, thì phía Trương Ái Linh lại nghĩ là không nên. Nhưng Trương Ái Linh có thực sự vô tình không? Có lẽ từ tận đáy lòng cô, tình cảm phân thành rất nhiều loại, một số là những tình yêu chẳng thìa chia xa còn tốt hơn; một số là những tình yêu cần phải nghiền vụn bản thân, đun chung cùng năm tháng rồi uống cạn mới chịu nguôi.

[4] Ý nói tình cảm trước sau như một, chỉ dành cho một người.

Không phải Trương Ái Linh vô tình, mà là trong ngàn vạn người, cô đã gặp nhầm người. Sự phản bội của Hồ Lan Thành khiến cô cảm thấy cô cảm thấy mùa xuân thất sắc, núi sông đổi màu, tình yêu là trừng phạt, là chán ghét. Khi cảm thấy không thể níu kéo được tất cả nữa, cô liền quyết định thay đổi đầy quyến rũ một lần. Còn người đàn ông đó, vẫn tưởng rằng cô sẽ giữ căn nhà tập thể cũ kĩ, vì mình mà chờ đợi đến khi trăng khuyết lại tròn; mà không hay, những chiếc sườn xám đủ màu đủ kiểu trong tủ áo vẫn còn, bài hát cũ trong máy thu âm vẫn đang phát đi phát lại, nhưng người thì đã rong ruổi chân trời.

Trương Ái Linh nói, sau khi đã từng yêu, trái tim tinh khiết giống như được tẩy rửa bằng nước, sự bội bạc của Hồ Lan Thành thực sự khiến cô đau khổ, nhưng cô vẫn điềm tĩnh nói: “Nếu buộc phải rời xa anh, em sẽ không tự sát, cũng sẽ không yêu người khác, mà em sẽ chỉ héo tàn”. Khi nói câu này, trái tim Trương Ái Linh đã chẳng khác nào một hồ sâu không thể đo nổi, tuy bị người ta ném đá hỏi đường, nhưng vẫn yên tĩnh lặng sóng.

Từ đó về sau, dù là bình thường, là kinh hãi thế gian, là tươi đẹp hay xiêu hồn lạc phách, đều chẳng liên quan tới người. Tình yêu bắt đầu từ cái nắm tay, đứng lặng bên nhau ngắm khói hoàng hôn đã không còn nữa. Tha hương là để sống tiếp mà không yêu không hận; sống cô quạnh một mình là để được âm thầm quên lãng. Vì thế sau này, khi cô chọn sống cùng một ông già ngoại quốc tuổi đã ngoại lục tuần mà chẳng cần lý do, âu cũng là điều đáng được tha thứ. Không phải cô không nỡ héo tàn, mà bởi từ phát triển đến suy tàn cần trải qua một quá trình gian nan.

Hạnh phúc hay không, đã không còn quan trọng. Có thể đi đến cùng hay không, cũng không còn gì đáng nói. Khi thề đoạn tuyệt với hồng trần, cô đã dự định không quay lại nữa. Gia thế hiển hách, quý tộc sa sút, quá khứ rạng rỡ, đều chỉ như nước chảy bèo trôi. Những người dốc hết tâm tư để mưu tính kết cục cho bản thân kỳ thực lại sớm bị vận mệnh sắp đặt. Chẳng thà làm một người nhạt nhẽo, dù cho thế sự bãi bể hóa nương dâu, ta vẫn ung dung, chẳng buồn đau tiếc nuối.

Ngày tháng vốn nên đơn sơ mộc mạc như thế, là thời gian thao túng chúng ta quá nhiều, nên mới cho chúng ta dũng khí xông pha giang hồ, cho chúng ta quyết tâm đi khắp sơn hà. Nhưng, năm tháng cuối cùng vẫn không chịu buông tha, bạn đi qua một núi một sông, thì phải trả lại bằng một sớm một chiều. Nhiều khi, những tưởng hạnh phúc đã chạm tay, nhưng nó lại ở bên ngoài song cửa, phải đợi đến lúc bình minh khi ráng trời xé tan đêm tối, mới có thể gõ cửa bước vào.

Vào những năm tháng tươi đẹp nhất của thuở ban đầu, cô đã viết một câu thế này: “Sinh mệnh là một chiếc áo hoa mỹ, mà trên đó lúc nhúc những con bọ”. Phải là một người con gái sáng suốt thế nào, mới có thể hiểu thấu đáo như thế. Phải chăng cô thực sự là một kỳ nữ, có thể nung nấu chữ nghĩa bàn luận vận mệnh, bói được quẻ bói kiếp trước đời này? Cô hiểu rõ, đời người không phải là Đường thi Tống từ, không phải là Dương xuân Bạch tuyết[5]. Cho nên nếu có một ngày, gặp phải muôn vàn bất hạnh, cũng là điều bình thường. Với cô, trần thế chẳng qua chỉ là một chiếc sườn xám che thân, cởi ra rồi nó cũng chẳng là gì.

[5]Dương xuân bạch tuyết: Một khúc cổ cầm, là một trong thập đại danh khúc, được dùng so sánh với nghệ thuật cao thâm.

Văn chương của cô giống như một cây kiếm diễm lệ mà lạnh lẽo, còn cô là “lâm thủy chiếu hoa”, tao nhã vung cây kiếm của mình lên là có thể lay động vẻ rực rỡ của hoa tươi, cũng có thể nghiền vụn hào quang của trăng sáng. Nếu nói cô đã từng lạc bước vào biển hoa, thì cũng chỉ vì để tác thành cho mùa hoa muôn hồng ngàn tía. Trên con đường vội vã, một lần gặp gỡ thoáng chốc đã quay đầu, cũng chỉ có bóng dáng còn lưu lại của con chim hồng kinh hãi trong phút chốc. Không phải cô quay đi quá vội, mà là không có ai đáng để cô đợi đến lúc chiều tà.

Là vạn non nghìn nước đều đã đi qua đó, là gió xuân lầm lỡ một đời đó. Cho dù thế sự vẫn như xưa, nhưng cô không sợ gì nữa, khi không có gì để nhớ, níu kéo chỉ là thừa. Lòng như được mưa đêm gột rửa bụi trần, thật sự đã sạch sẽ rồi. Cô khiến bản thân cô độc dứt bỏ cuộc đời, sống đến tóc bạc da mồi, sống đến quên cả dáng hình năm xưa của bản thân, thậm chí quên cả họ tên. Triệt để như thế, cũng chỉ có Trương Ái Linh. Có thể coi bản thân mình là duy nhất, có thể cô độc như thế, quả là đức hạnh cao quý.

Vào cái đêm trăng tròn mười sáu năm trước đó, cô chìm vào giấc ngủ nặng nề, và rồi không bao giờ tỉnh lại nữa. Đêm đó tĩnh lặng vô cùng, dường như nghe thấy cả tiếng hạt bụi rớt xuống mặt đất. Rất nhiều người phỏng đoán, sau khi tái sinh, rốt cuộc Trương Ái Linh đã đi đâu, đã hóa thành gì? Còn tôi đến nay vẫn tin rằng, không có bất cứ sinh vật nào có thể thay thế cô. Người con gái như thế, căn bản không cần đầu thai, chỉ một kiếp là đủ.

Hết thảy chúng sinh đều hữu tình, hết thảy chúng sinh đều có quá khứ. Nguyện lúc này bình lặng, nhưng khi khác rạng ngời. Duy chỉ thực sự có được, mới không phụ năm tháng một đời. Gió mây xoay vần, lại là tiết thu trong lành. Có lẽ chúng ta nên thực sự tin rằng, người con gái tên gọi Trương Ái Linh ấy, đã vận một chiếc sườn xám diễm lệ, đi xuyên qua mưa khói Dân Quốc, đi xuyên qua những ngõ dài hun hút của Thượng Hải, và đang chậm rãi bước về phía chúng ta.

Trâm anh thế tộc

Trong ký ức của người già, vầng trăng ba mươi năm trước tươi vui, to tròn và trắng sáng hơn vầng trăng hiện tại; nhưng sau chặng đường gian khổ ba mươi năm, nhìn lại, ánh trăng dẫu có lung linh hơn, thì cũng khó tránh đượm chút thê lương[1].

(Trương Ái Linh ngữ lục)

[1] Trích Cái gông vàng của Trương Ái Linh, Trần Quang Đức dịch.

Ráng chiều cô lẻ, nước thu trong veo. Ngồi tựa bên song cửa cũ kỹ, nhìn hoa rơi mưa bay, lại thấy trăng sáng giữa trời, cuối cùng hiểu ra, chỉ cần nội tâm thấu suốt, cho dù thân ở thời loạn, gió mây ập tới, ngày tháng vẫn có thể giản đơn, tĩnh lặng và sáng sủa. Lý Bạch có thơ rằng:

Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt

Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân

(Người nay chẳng thấy trăng thuở trước,

Trăng nay đã từng chiếu kẻ xưa).

Đúng thế, cho dù thế sự, non sông nhiều phen gió táp mưa sa, thì vầng trăng tỏa sáng ngàn dặm đó vẫn thủy chung vẫn thanh tịnh tựa lưu ly.

Đời người mênh mang, chúng ta chẳng qua chỉ là một ngôi sao trong dòng ngân hà vời vợi, là một ngọn sóng trong biển ngăn ngắt xanh. Rơi xuống thế gian này như thế nào, chúng ta không thể biết; và sẽ rơi vào đâu, chúng ta cũng không thể chọn lựa. Tóm lại, vinh hoa và nghèo khổ, huyên náo và tịch liêu của kiếp trước, đều không liên quan đến kiếp này. Sinh mệnh căn bản đã chất chứa quá nhiều điều kinh ngạc và hư ảo, không ai có thể giải thích một cách rõ ràng lời giải ẩn giấu đằng sau màn kịch.

Trương Ái Linh cũng là một vì sao, may gặp buổi vén bức mây chiều, nên cô càng tỏa sáng. Trong tiết giữa thu chớm lạnh của chín mươi năm về trước, cô chào đời giữa Thượng Hải mênh mông sóng nước. Đó là ngày mười chín tháng tám Âm lịch, chỉ mấy ngày sau hôm rằm, hẳn ban đêm vẫn còn ánh trăng nhàn nhạt tưới tắm trên những bậc thềm ngõ hẻm, lầu gác cửa sổ. Dường như từ đây, cô đã kết duyên với trăng thu, bị sự thanh tịnh này quẩn quanh một đời.

Nhân duyên trên thế gian hòa hợp, chẳng phải ngẫu nhiên. Nhiều năm về sau, cô viết: “Vầng trăng của ba mươi năm trước là một quầng sáng đẫm màu cam, to cỡ đồng xu, cũ kỹ và mơ hồ như giọt lệ rớt trên trang giấy Đóa Vân Hiên[2]”. Người con gái này, khi còn chưa kinh qua bao mưa xuân gió thu, đã sớm hiểu thế sự, thông tỏ nhân tình. Có người nói, sự tài tình phi thường của Trương Ái Linh bắt nguồn từ huyết thống cao quý của cô. Cho nên đến giờ, khi nhắc tới Trương Ái Linh, người ta vẫn say sưa chuyện trò về việc cô là trâm anh thế tộc, xuất thân từ gia đình giàu sang.

[2] Đóa Vân Hiên: Tên một hãng giấy nổi tiếng của Thượng Hải.

Lẽ nào không biết, cùng với sự suy vong của đế quốc Đại Thanh, những quý tộc quan lại cuối đời Thanh mất đi chỗ dựa huy hoàng giá trị, biết bao kẻ cam chịu sinh tồn một cách đồi bại và sa sút trong thời Dân Quốc. Trương Ái Linh sinh ra trong gia đình giàu có họ Trương ở tô giới chung Thượng Hải, cạnh dòng Tô Châu, Thượng Hải. Ngôi nhà kiểu Châu Âu cũ cuối đời Thanh đầu Quốc dân ấy chính là món quà duy nhất mà danh nhân Lý Hồng Chương cuối đời Thanh để lại cho đời sau.

Chúng ta có thể tưởng tượng vào năm đó, tòa nhà ấy đẳng cấp đến nhường nào. Hoa viên tao nhã, sinh sống an nhàn, những nơi ánh nắng mặt trời chiếu rọi đến cỏ cây đều xanh tốt. Lịch sử đổi thay, thời gian mấy mươi năm, đã biến rất nhiều dòng tộc, gia đình giàu có như vậy trở thành cát bụi. Từ đây, triều đại lại có thêm một vết thương ngầm sâu kín chẳng thể chạm tới được. Chính trong tòa nhà cổ xưa đó, Trương Ái Linh vẫn còn có thể cảm nhận được hơi ấm sót lại của tiền nhân. Chỉ là quá khứ huy hoàng đã không thể tồn tại nữa.

Sau này, Trương Ái Linh từng nói rất xúc động rằng: “Tôi không kịp nhìn thấy họ, cho nên quan hệ với họ chỉ là kiểu duy trì vô điều kiện trong im lặng, nhìn tưởng vô dụng, không có hiệu quả, nhưng là thứ tôi cần nhất. Họ chỉ lặng lẽ nằm trong dòng máu của tôi, đợi khi tôi chết sẽ lại chết thêm lần nữa. Tôi yêu họ”. Họ ở đây, đương nhiên cũng bao gồm Lý Hồng Chương. Có thể thấy, Trương Ái Linh không hề thực sự vô tình, dưới vẻ bề ngoài tưởng như lạnh lùng của cô, lại ẩn chứa một trái tim nhiệt thành, hoài cổ. Lý Hồng Chương là một trọng thần cuối triều Thanh. Ông làm quan đến Trực lệ Tổng đốc kiêm Bắc Dương thông thương đại thần, nhận Văn Hoa điện đại học sĩ. Ông nội Trương Ái Linh – Trương Bội Luân – sống vào thời Thanh, cũng là một nhân vật thanh liêm trong chốn quan trường thời xưa, chính trực tự phụ. Ông không chỉ lưu danh trong lịch sử, mà còn được viết trong Nghiệt hải hoa – một trong bốn tiểu thuyết phê phán nổi tiếng. Khi Trương Bội Luân ngoài tứ tuần, hoan lộ trắc trở, Lý Hồng Chương đã dang tay giúp đỡ, đem ái nữ mới hai mươi hai tuổi đầu là Lý Cúc Ngẫu gả cho ông. Xét cho cùng, nguyên nhân có thể là vì chính trị, có thể là vì điều gì đó khác, mà ta không thể nào biết được.


Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .